Danh dự, nhân phẩm là những giá trị gắn với nhân thân của một người và được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác vẫn diễn ra thường xuyên. Việc thu thập chứng cứ khởi kiện yêu cầu bồi thường danh dự bị xâm hại cần được thực hiện để người bị xâm hại tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Danh dự bị xâm hại bao gồm những hành vi gì ?
Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác là những hành vi truyền bá thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm của mình. Các thông tin xấu được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng phải bị gỡ bỏ, đồng thời cải chính.
Yêu cầu về chứng cứ để được tòa án chấp thuận khi khởi kiện đòi bồi thường
1. Về hình thức
Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định chứng cứ gồm:
- Tài liệu đọc được nội dung là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
- Tài liệu nghe, nhìn được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình.
- Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật.
- Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
- Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo khoản 2 Điều này hoặc khai tại phiên tòa.
- Kết luận giám định; Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản; Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ; Văn bản công chứng, chứng thực: được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
- Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.
2. Về nội dung
Căn cứ vào Điều 93 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Khái niệm chứng cứ nêu trên thể hiện đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ bao gồm:
- Tính khách quan
- Tính liên quan
- Tính hợp pháp
Hướng dẫn thu thập lại chứng cứ
Theo quy định tại Điều 95 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì chứng cứ có thể là tài liệu nghe được nhìn được nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó và thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Như vậy, người bị xúc phạm về danh dự có thể thu thập chứng cứ bằng các biện pháp sau:
- Ghi âm
- Ghi hình
- Trích xuất tin nhắn
Lập vi bằng thu thập chứng cứ khởi kiện yêu cầu bồi thường danh dự bị xâm hại
Khoản 9 Điều 95 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 bổ sung quy định: văn bản ghi nhận sự kiện hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi này pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Nghị định 08/2020 quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và theo quy định của pháp luật. Vi bằng do Thừa phát lại lập có giá trị nguồn chứng cứ.
Do vậy bên bị xâm phạm có thể yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận toàn bộ hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, và uy tín của mình. Bởi Vi Bằng là văn bản có giá trị chứng cứ do Thừa Phát Lại được Nhà nước bổ nhiệm trực tiếp chứng kiến, ghi nhận khách quan, trung thực các sự kiện trong thực tế. Vi Bằng sẽ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật.