Xã hội càng phát triển kèm theo nhiều sự việc phức tạp, rất nhiều người gặp phải tình trạng bị các bên tự xưng là nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty thu hồi nợ gọi điện, nhắn tin đến yêu cầu trả các khoản nợ tín dụng, nợ do mua hàng trả góp,… Tuy khách hàng không hề có vay nợ nhưng vẫn bị đòi nợ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và uy tín cá nhân của mình.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ
– Tình trạng rò rỉ thông tin cá nhân: Hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thông tin cá nhân có thể dễ dàng bị rò rỉ khi cá nhân tham gia các giao dịch mua bán hàng ngày hoặc tham gia các hội nhóm,… Một số đối tượng xấu có thể lợi dụng việc này để buôn bán thông tin cá nhân cho các tổ chức tín dụng xấu để tạo những khoản vay ảo và yêu cầu người đó phải trả khoản nợ mà mình không vay.
– Bị đối tượng xấu xử dụng thông tin khoản vay trước đó: Tình trạng này khá phổ biến khi mà hoạt động vay tín chấp, vay trả góp đang rất phổ biến, rất nhiều cá nhân tham gia vay của các tổ chức tài chính, công ty tín dụng có lưu lại hồ sơ cá nhân. Sau đó các đối tượng xấu có được hồ sơ đó đã làm giả một hồ sơ khác tạo các khoản vay và chiếm đoạt số tiền đó.
Người không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ thì có phải trả khoản tiền đó không?
Không chỉ uy hiếp, đe dọa trả tiền, họ còn đăng hình ảnh cá nhân vay mượn tiền lên các trang mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người vay nhằm mục đích thu hồi tiền nợ. Điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp mặc dù không vay nhưng do tâm lý hoang mang, không muốn ảnh hưởng đến việc kinh doanh, cuộc sống mà vẫn tặc lưỡi trả các khoản tiền không phải do mình vay.
Theo Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay thì người vay tiền chỉ phát sinh nghĩa vụ trả tiền khi có tham gia vay mượn tiền, có thỏa thuận trả tiền. Như vậy nếu như không vay tiền, không có thỏa thuận vay thì người bị đòi nợ không có nghĩa vụ phải trả tiền.
Tuy nhiên việc bị các đối tượng xấu lấy cắp thông tin thì người bị lấy cắp thông tin cần phải chứng minh bản thân không phải người thực hiện vay tiền.
Hướng xử lý trường hợp không vay tiền nhưng vẫn bị đòi nợ
Khi bị làm phiền thì đầu tiên người bị làm phiền cần tìm cách thu thập lại bằng chứng về việc đòi nợ bất hợp lý như:
– Ghi âm hoặc quay phim lại các cuộc gọi đòi nợ;
– Lưu lại nhưng tin nhắn đòi nợ, đe dọa đòi nợ,…;
– Lưu lại thông tin màn hình, giao diện mạng của người đòi nợ, người đưa tin đối với trang đưa tin,…;
– Yêu cầu Thừa phát lại Lập vi bằng ghi nhận lại các thông tin tin nhắn, những thông tin đăng tải mà có nội dung đe dọa, vu khống và xúc phạm danh dự, nhân phẩm,…;
Sau khi thu thập bằng chứng, người bị làm phiền có thể xử lý như sau:
– Liên hệ, làm rõ với tổ chức tín dụng, cho vay tiền đề nghị họ cung cấp chứng từ, hợp đồng, thông tin chứng minh về việc vay nợ của mình, liên hệ trực tiếp đến văn phòng của công ty để khiếu nại, mang theo các bằng chứng chứng minh mình không liên quan đến các khoản nợ đó, và đã bị làm phiền, chửi bới, đe dọa như thế nào.
– Trình báo ra cơ quan công an: Người bị làm phiền có thể đến trực tiếp cơ quan Công an để trình báo về hành vi của tổ chức, cá nhân đòi nợ bạn hoặc làm đơn trình báo gửi qua đường bưu điện kèm theo bằng chứng để trình báo. Cơ quan công an khi tiếp nhận thông tin trình báo sẽ điều tra, tùy vào hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Đề nghị sở Thông tin và truyền thông xử lý: Việc lợi dụng thông tin trên mạng, sử dụng mạng xã hội, mạng internet,… để thực hiện hành vi đòi nợ cũng vi phạm quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Nếu người bị làm phiền biết được thông tin địa chỉ của tổ chức, cá nhân đòi nợ thì có thể gửi đơn trình báo đến Sở Thông tin và Truyền thông nơi Công ty đặt trụ sở để đề nghị xử lý.
– Gửi đơn trình báo đến Thanh tra, giám sát ngân hàng: Người bị đòi nợ có thể gửi đơn trình báo sự việc đến cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng để đề nghị giải quyết hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, Công ty đòi nợ.