Lập vi bằng là một trong những chức năng quan trọng của Thừa phát lại. Theo đó, Thừa phát lại mô tả lại chính xác những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại nhìn thấy, nghe thấy,.. nghĩa là Thừa phát lại sử dụng những giác quan của một người bình thường để ghi nhận lại một sự thật khách quan. Bên cạnh đó, Thừa phát lại có thể sử dụng những phương tiện khác để làm rõ hơn quá trình diễn ra của sự kiện, hành vi đó như: quay phim, chụp hình, ghi âm,…
Khái niệm Vi bằng
Theo khoản 3, Điều 2, Nghị định 08/2020/NĐ-CP: “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này”.
Ngoài ra, khoản 3, Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP: “Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Vi bằng được Thừa phát lại lập với mục đích là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tuỳ nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng do Thừa phát lại lập ghi nhận sự kiện, hành vi có thật mà Thừa phát lại chứng kiến, trong đó Thừa phát lại mô tả những gì mình thấy được, nghe được,… hoặc thông qua các dụng cụ chuyên dụng để ghi lại những kết quả nhất định vào vi bằng, kèm theo có thể là quay phim, ghi âm, đo đạc,… để làm rõ thêm sự kiện, diễn biến lập vi bằng. Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những nội dung đã được ghi nhận trong vi bằng, do vậy vi bằng của Thừa phát lại phải đảm bảo tính khách quan của sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận.
Vi bằng không phải là hợp đồng, giao dịch, do đó không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng. Chỉ những hành vi, tuyên bố, cam kết, thoả thuận, xác nhận của các bên tham gia vào quá trình lập vi bằng, tương ứng với những quy định của pháp luật có liên quan mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật và họ tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước sự ghi nhận của Thừa phát lại.
Vi bằng có phải văn bản công chứng không?
Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của Công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng. Nếu công chứng là việc công chứng viên thay mặt nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng. Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại là lập các chứng thư (vi bằng) về những sự kiện, hành vi xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về mặt không gian và thời gian.
Có thể lấy một ví dụ đơn giản để thấy sự khác nhau giữa hoạt động lập vi bằng và hoạt động công chứng như sau: Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó họ phải đến văn phòng công chứng, gặp chứng viên để thỏa thuận và ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên. Sau khi hợp đồng được ký kết với sự chứng thực của công chứng viên, khi hai bên “bước ra khỏi cửa” văn phòng công chứng thì công chứng viên không nhất thiết phải quan tâm việc hợp đồng đó được thực hiện thế nào? Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiến hành ra sao? Có vi phạm trong thực hiện các thỏa thuận không? Từ đây có thể sẽ xuất hiện vai trò của Thừa phát lại. Họ có thể sẽ chứng kiến và lập vi bằng về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, lập vi bằng về những vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng… nếu các bên yêu cầu họ làm vậy.
Trong thực tế, chúng ta có thể gặp trường hợp người khác nhờ chúng ta làm chứng cho một giao dịch hay một sự việc cụ thể (làm chứng cho di chúc miệng, làm chứng cho việc giao nhận tiền đặt cọc…). Khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp mời ta lên với tư cách người làm chứng, chúng ta sẽ mô tả lại những việc mà ta chứng kiến có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của chúng ta có là chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần đối chất, kiểm tra lại. Còn Thừa phát lại khi lập vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả bằng văn bản, quay phim, chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết) tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Chính những yếu tố đó là ưu điểm tăng chứng cho vi bằng và luật quy định bản thân vi bằng có giá trị chứng cứ.
Giá trị pháp lý của Vi bằng
Theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định. Trong quá trình đánh giá xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng nếu thấy cần thiết thì Tòa án hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan tổ chức cá nhân khác phải có mặt.
Vi bằng không chỉ có giá trị chứng cứ về mặt pháp lý mà còn mang lại nhiều ý nghĩa trực tiếp đối với mọi cá nhân, tổ chức trong thực tiễn xã hội.
- Vi bằng góp phần tạo niềm tin cho các bên trong quan hệ pháp lý, giao dịch;
- Vi bằng là cơ sở để Toà án giải quyết vụ việc, tiết kiệm về thời gian và kinh phí xác minh,… để giải quyết vấn đề.
- Quan trọng hơn hết là giá trị niềm tin mà vi bằng mang lại, trên cơ sở sự việc có thật đã được ghi lại, các bên có thể hoà giải thành công, tự giải quyết những mâu thuẫn phát sinh phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó giảm tải cho hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.
——————————————————————————————-
𝐕𝐚̆𝐧 𝐩𝐡𝐨̀𝐧𝐠 𝐓𝐡𝐮̛̀𝐚 𝐏𝐡𝐚́𝐭 𝐋𝐚̣𝐢 𝐪𝐮𝐚̣̂𝐧 𝐇𝐚̀ Đ𝐨̂𝐧𝐠 𝐥𝐮𝐨̂𝐧 𝐜𝐮𝐧𝐠 𝐮̛́𝐧𝐠 𝐭𝐨̛́𝐢 𝐤𝐡𝐚́𝐜𝐡 𝐡𝐚̀𝐧𝐠 𝐝𝐢̣𝐜𝐡 𝐯𝐮̣ 𝐥𝐚̣̂𝐩 𝐯𝐢 𝐛𝐚̆̀𝐧𝐠 𝐭𝐨̂́𝐭 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭, 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐬𝐮̛̣ 𝐜𝐡𝐮𝐲𝐞̂𝐧 𝐧𝐠𝐡𝐢𝐞̣̂𝐩 𝐯𝐚̀ 𝐭𝐚̣̂𝐧 𝐭𝐚̂𝐦!