Gần đây trên một số trang báo điện tử có đăng tải một số bài viết với tiêu đề như: “Cảnh báo lừa đảo mua bán nhà đất qua Vi bằng” hoặc “Ngăn chặn lừa đảo mua bán nhà đất bằng vi bằng” hay “Khốn đốn với vi bằng” …. Vậy cụm từ “Vi bằng nhà đất” là gì? Nên hiểu như thế nào cho đúng về Vi Bằng – Theo đúng quy định của pháp luật.
Dưới đây là một bài viết được trích từ một trang báo điện tử như sau:
“Mất tiền, mất nhà
Anh Tuấn Minh, nhân viên kỹ thuật trong một công ty ở khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) kể lại câu chuyện đau đớn của mình khi mua nhà bằng hình thức lập vi bằng.
Theo đó, vào cuối năm 2015, anh đã mua căn nhà rộng 3,2 x 10 m, gồm 2 tầng rưỡi tại H.Hóc Môn (TP.HCM), với giá 570 triệu đồng. Do diện tích không đủ tách thửa, ra sổ đỏ riêng mà đứng chung với 3 căn nhà khác cũng diện tích tương tự, nên chủ nhà yêu cầu bán căn nhà trên bằng hình thức lập vi bằng, giao dịch tại văn phòng thừa phát lại.
Chúng tôi viết giấy tay mua bán nhà. Khi tôi giao tiền thì có văn phòng thừa phát lại lập vi bằng làm chứng. Tại đây, chủ nhà cũng viết giấy giao nhà cho tôi và cam kết sẽ đưa tên tôi vào sổ đỏ để thành người đồng sở hữu với chủ các căn nhà khác khi đã bán hết 4 căn nhà trên. Yên tâm có bản vi bằng của thừa phát lại nên tôi cũng không quá sát sao việc đưa tên mình vào sổ đỏ chung”, anh Tuấn Minh cho biết.
Đến tháng 2.2017, sau khi nghỉ tết từ quê trở lại TP.HCM, anh Tuấn Minh và chủ 3 căn nhà khác mới tá hỏa vì cả 4 căn nhà bị ngân hàng thông báo siết nợ do chủ nhà đã đem thế chấp ngân hàng và mất khả năng trả nợ. Cả 4 hộ dân bị buộc ra khỏi chỗ ở của mình. Đến lúc này tìm hiểu kỹ anh Minh mới hiểu vi bằng của thừa phát lại ghi nhận vụ giao dịch và chỉ có giá trị làm chứng cứ để tố cáo chủ nhà có hành vi lừa đảo.”
Như vậy từ bài viết trên có thể thấy việc anh Tuấn Minh bị mất trắng số tiền mua nhà xuất phát từ việc chủ nhà đã lật lọng, không thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới mà lại sử dụng giấy chứng nhận để thế chấp vay tiền từ ngân hàng. Vi bằng của Thừa Phát Lại ghi nhận việc các bên giao tiền để thực hiện theo thỏa thuận chỉ có giá trị làm chứng cứ tố giác hành vi lừa đảo của chủ nhà, chứ không thay thế văn bản công chứng chứng thực. Giả sử nếu không có Vi bằng do Thừa phát Lại lập thì đâu ai biết được anh Tuấn Minh là ai? Anh Tuấn Minh đã giao dịch gì với chủ nhà? Anh Tuấn Minh đã giao cho chủ nhà bao nhiêu tiền? Lấy gì làm chứng cứ tố giác chủ nhà và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đòi lại số tiền cho anh????.
Đây là một trong số ít các trường hợp không mong muốn xảy ra trên thực tế, việc lừa đảo này xuất phát từ những người bán nhà, chuyển nhượng những thửa đất chưa đủ điều kiện công chứng, chứng thực chứ không phải xuất phát từ “Vi Bằng”. Tuy nhiên, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều quan điểm chưa chính xác về Vi Bằng do Thừa Phát Lại lập, cho rằng Vi bằng là chiêu trò của những tên lừa đảo nhưng lại không biết rằng chính Vi Bằng là văn bản để tố giác những tên lừa đảo đó và đòi lại số tiền đã mất cho bạn. Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định “Vi Bằng do Thừa Phát Lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi sử dụng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật khác”