Lập Vi bằng là một trong bốn công việc mang tính đặc trưng trong hoạt động của Thừa phát lại. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ngoài Thừa phát lại, không một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào khác có thẩm quyền lập Vi bằng.
Thừa phát lại là người do Bộ trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm và quản lý hành nghề trên cơ sở quy định của pháp luật . Thừa phát lại không phải là công chức tư pháp, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoạt động không theo chế độ công vụ. Thừa phát lại thực hiện một số công việc theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo đề nghị của Tòa án trong phạm vi trách nhiệm được quy định. Theo quy định của pháp luật hiện hành, Thừa phát lại được thực hiện các công việc sau:
– Tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự.
– Xác minh điều kiện thi hành án.
– Thi hành bản án/quyết định của Tòa án.
– Lập Vi bằng.
Trong đó, lập Vi bằng hiện đang là thế mạnh của Thừa phát lại, vì tính độc quyền và khả năng đáp ứng nhu cầu tạo lập chứng cứ của các chủ thể tham gia giao dịch trong giai đoạn kinh tế thị trường đang phát triển nhanh chóng.
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, để ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Văn bản này có giá trị chứng cứ trong tố tụng hoặc các quan hệ pháp lý khác.
Phạm vi lập vi bằng vô cùng rộng, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Vi bằng giúp cho chủ thể trong các quan hệ xã hội được quyền chủ động xác lập chứng cứ để bảo vệ mình.